Bối cảnh Xung đột biên giới Nga – Thanh

Vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất nhiều bộ lạc người Nữ Chân và Mông Cổ ở Đông Bắc Trung Quốc ngày nay.[1] Năm 1616, ông tự xưng là Đại Hãn, thành lập triều đại Hậu Kim, và bắt đầu giao tranh trực tiếp với quân Minh ở Liêu Đông.[2] Hoàng Thái Cực, người kế nhiệm Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thành lập nhà Thanh và tiếp tục các cuộc tấn công nhà Minh, Triều Tiên, đồng thời mở các cuộc viễn chinh về phía Bắc, chống lại các bộ tộc sống bên bờ sông Amur: Hurka, Solon và Daur. Năm 1636, thành Ningguta được xây dựng bên bờ sông Mẫu Đơn, làm bàn đạp tấn công các bộ tộc phía Bắc vào những năm 1640.[3] Trong khi đó, sau khi kiểm soát Bắc Kinh vào năm 1644, người Mãn Châu mở rộng tấn công về phía Nam, chinh phục toàn bộ nhà Minh.[4][5]

Trong cùng khoảng thời gian này, với mục đích tìm kiếm lông thú, người Nga, chủ yếu là Cossack, tiếp tục mở rộng về phía đông, khai phá thám hiểm vùng Siberia, mang theo những vũ khí mới, cướp bóc và áp đặt yasak (cống nạp) với các bộ tộc Mông Cổ-Tungus dưới danh nghĩa Sa hoàng.[6] Tới năm 1620, đã có 50 thành lũy ở vùng Siberia.[7] Trong những năm 1630, người Nga đã tới bờ biển Thái Bình Dương, các vùng đất đồng cỏ của người Buryat dọc theo sông Angarahồ Baikal, đồng thời thành lập Yakutsk (thủ phủ Yakutia) vào năm 1632, nơi, với sự dồi dào thức ăn cho ngựa và cá Odacidae, trở thành trung tâm định cư của người Nga và là cứ điểm chính để Nga mở rộng hơn nữa ở khu vực Viễn Đông.[8] Bên cạnh đó, nhà nước Nga cũng mong muốn tìm con đường tiếp cận với thị trường thương mại Trung Quốc; mong muốn này càng được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ lợi nhuận từ các cuộc giao thương đầu thế kỷ XVII với các bộ tộc ở Tây Mông Cổ.[9]

Bản đồ lưu vực sông Amur

Trong những năm 1640 và 1650, nghe câu chuyện về thiên đường trù phú và màu mỡ trên sông Amur, người Nga chuyển hướng về phía đông nam, xâm nhập vào lưu vực sông Amur.[10] Đây là nơi sinh sống của nhiều tộc người vốn đã cống nạp cho nhà Thanh từ trước.[11] Việc người Nga đến khu vực Amur-Hắc Long Giang báo hiệu sự trỗi dậy của một cường quốc thứ hai sẵn sàng tham gia vào mạng lưới liên minh và các mối quan hệ cống nạp đã tồn tại trong khu vực.[12] Năm 1643, một đội thám hiểm đầu tiên gồm 133 người do Vasili Poyarkov dẫn đầu từ Yakutsk xuôi dòng đi về phía nam. Việc di chuyển ban đầu rất chậm và khó khăn, do những thác và ghềnh khó khăn trên sông Aldan và các phụ lưu. Sau 11 tuần, họ vẫn chưa vượt qua dãy Stanovoy và buộc phải dựng các khu trại trú đông. Chỉ khi mùa xuân đến và dòng sông tan băng thì Poyarkov mới có thể tiếp tục cuộc hành trình về phía nam tới sông Amur, nơi họ bắt gặp một ngôi làng người Daur trên sông Zeya. Người Daur chào đón những người Cossack, nhưng mối quan hệ nhanh chóng xấu đi khi họ đáp lại bằng bạo lực. Khi lương thực giảm dần, Poyarkov bắt cóc người đứng đầu Daur và cố gắng lấy từ người bản địa, dẫn đến giao tranh quyết liệt. Khi sự phản kháng gia tăng, Poyarkov xuôi thuyền xa hơn về phía nam. Họ tiếp tục khám phá vùng trung và hạ lưu của sông Amur, trước khi ra đến Thái Bình Dương. Tại đây họ đi thuyền về phía bắc dọc theo bờ biển Okhotsk và cuối cùng vượt núi quay về Yakutsk vào năm 1646. Trong quá trình này, với nguồn tài nguyên cạn kiệt và sự tấn công của những người bản xứ, Poyarkov đã xây dựng nhiều ostrog, những thành trì kiên cố tại những điểm chiến lược để gây ảnh hưởng dọc theo dòng Amur. Thường bị áp đảo về quân số, nhưng kỹ thuật quân sự vượt trội đã mang lại lợi thế cho họ trước người bản xứ. Do đó, người Nga dựa vào những ostrog như những căn cứ tạm thời để trú đông, dự trữ và cướp phá.[13]